VINH DANH NGƯỜI THẮNG CUỘC 2020 - QUỲNH TRẦN

VINH DANH NGƯỜI THẮNG CUỘC 2020 – QUỲNH TRẦN

🌸“MAI HOA HƯƠNG TỰ KHỔ HÀN LAI”: QUA MƯA GIÓ LẠI THẤY CẦU VỒNG
(梅花香自苦寒来一一风雨过后又见彩虹)

“Rất nhiều kỳ tích, ta tin tưởng thì chúng mới tồn tại.”
(许多奇迹,我们相信才会存在。)
…..

Vinh danh người thắng cuộc 2020

Chào mọi người!
Có lẽ một vài bạn đã từng đọc các bài viết trước của mình, còn một vài bạn thì chưa. Mình đã đắn đo rất lâu trước khi viết bài này, bởi vì mình không nghĩ rằng mùa học bổng năm 2020 là một trận đại thắng so với kỳ vọng của bản thân mình. Mình cũng không chắc là bài viết này có may mắn đoạt giải hay không. Động lực khiến mình viết bài này, chỉ đơn giản là một sự tổng kết lại cho bản thân qua một chặng đường hai năm đầy gian khó. Và, có lẽ, kinh nghiệm của mình, câu chuyện của mình, có thể giúp được cho ai đó đang lạc lối giữa con đường đến với ước mơ.

Mình là người luôn muốn viết dài và viết đầy đủ, trọn vẹn tất cả những gì cần thiết, thế nên đây sẽ là một bài dài. Để tiện cho các bạn theo dõi, mình sẽ liệt kê ra các phần chính như sau:
I. Mình là ai?
1. Sơ lược về thành quả
2. Sơ lược về mình
3. Trải nghiệm về apply học bổng
II. Mình đã lựa chọn trường nào?
1. Lý do chọn trường
2. Các học bổng của trường
III. Bắt đầu hành trình apply học bổng thế nào?
1. Lập danh sách trường
2. Chuẩn bị hồ sơ
3. Chuẩn bị phỏng vấn

Nếu có bạn nào cảm thấy bài viết quá dài, có thể xem riêng phần mà bạn muốn xem.^^

Nào, bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu vào nội dung chính nhé.

I. Mình là ai?

1. Sơ lược về thành quả:

Mình là người đã từng thất bại trong mùa học bổng năm 2019, trong năm 2020 cho tới giờ mình đã đỗ 4 học bổng, 3 lần app học bổng CIS, 2 lần lên bước 5. Vẫn còn một số trường chưa có kết quả nhưng mình đã có lựa chọn cuối cùng.

Năm 2019, mình dùng HSK 4 (286 điểm) và HSKK trung cấp (86 điểm) để apply học bổng CIS ĐH Sư phạm Hàng Châu, nhưng mình đã bị Hanban điều sang ĐH Tây Nam Trùng Khánh (type B), rồi lại không may bị trượt. Mình cũng apply học bổng tỉnh Giang Tô nhưng chỉ được bán phần, cuối cùng mình cũng từ chối. Đó là một thời gian khó khăn với mình, dưới áp lực bị ba mẹ hối thúc quay lại trường đại học, ám ảnh về thất bại và nghĩ rằng số phận mình là thế, không thể thành công được… Rất may là mình đã không gục ngã và không từ bỏ ước mơ. Vượt qua quãng thời gian khó khăn đó, mình thi HSK 5 và HSK 6 vào tháng 12 năm 2019, bắt đầu làm lại từ đầu, chỉ với một niềm tin vào vận mệnh.

Mình tin, mọi thứ xảy đến với mình dù thê thảm đến đâu cũng không phải bất hạnh, mà là Thượng Đế muốn ban cho mình những thứ tốt đẹp hơn, thích hợp hơn với mình ở phía sau. Chỉ cần mình kiên nhẫn, rồi sẽ chờ được món quà của Ngài dành cho những kẻ không bao giờ từ bỏ ước mơ.

Và rồi, năm học 2020, mình nhận được 5 học bổng:
– Học bổng CIS ĐH Tô Châu (1 kỳ tiếng nhập học tháng 3): mình không thể đi được do dịch bệnh
– Học bổng trường ĐH Trung Nam (hệ đại học): trường mình đã chọn
– Học bổng CIS ĐH Sư phạm Phúc Kiến (hệ đại học): mình đã từ chối
– Học bổng CSC Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (hệ đại học): mình đã từ chối vì chỉ là bán phần
– Học bổng trường ĐH Lan Châu: mình vừa nhận được kết quả
(Ảnh 1, 2: Chứng nhận học bổng CIS; ảnh 3: mail báo đỗ ĐH Trung Nam; ảnh 4: mail báo đỗ CSC; ảnh 5: mail báo đỗ học bổng ĐH Lan Châu)

Thật ra kết quả của mình không thể gọi là kỳ tích nếu so với không ít các anh chị bạn bè khác, nhưng mình vẫn rất trân trọng vì đó đều là kết quả từ sự cố gắng và nỗ lực của chính bản thân.

Ngoài ra, mình cũng phải cảm ơn sự giúp đỡ của mọi người xung quanh đã dành cho mình. Cảm ơn anh Duy, chị Liên và nhiều anh chị bạn bè khác luôn ở bên giúp đỡ, bảo ban, động viên. Có lúc mình làm phiền các anh chị rất nhiều, nhưng lại luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình. Thật sự không biết làm sao để bày tỏ cho hết lòng biết ơn với tất cả mọi người, mình chỉ tự nhủ sau này sẽ giúp đỡ lại các bạn các em như anh chị đã giúp đỡ mình, để tình thương ấm áp được lan tỏa và còn mãi.

2. Sơ lược về mình:

Hồ sơ của mình cũng rất bình thường, mình chưa bao giờ dám tự nhận mình giỏi hơn ai vì mình biết rằng “thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”, những người hơn mình còn có rất nhiều.

Mình sinh ra trong gia đình có ông ngoại là Hoa kiều gốc Quảng Đông, tuy nhiên ông mình đã mất sớm, không ai dạy mình chữ Hán và tiếng Hoa. Có lẽ là do dòng máu di truyền, từ nhỏ mình đã rất yêu thích tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc, đã xem rất nhiều phim và nghe rất nhiều nhạc, nhưng chưa có điều kiện học tiếng.

Cấp 3, mình học lớp chuyên Văn ở một trường chuyên của tỉnh, may mắn được chọn vào đội tuyển Văn, có được 2 giải Văn cấp Quốc gia vào năm lớp 11 và 12, vẫn chưa có điều kiện học tiếng Trung, nhưng lớp Văn cho mình cơ hội tiếp cận sâu hơn về văn học thi từ ca phú của Trung Hoa, từ Đường thi Tống từ đến Lỗ Tấn, Mạc Ngôn. Nhờ vào giải Quốc gia và IELTS, mình nộp hồ sơ và được tuyển thẳng vào 4 trường, trong đó có ngành Sư phạm Anh của ĐH Sư phạm TPHCM và ngành Đông phương học của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐH Quốc gia TPHCM. Lúc đó, mình rất muốn học Đông phương học, nhưng ba mẹ muốn mình chọn Sư phạm Anh để sau này làm cô giáo dạy tiếng Anh cho nhàn. Cuối cùng, mình chỉ đành nghe theo, lựa chọn ngành Sư phạm Anh.

Ở trường đại học, mình bắt đầu cảm thấy bản thân không thuộc về lớp Anh, khi suy nghĩ, sở thích và tư tưởng của mình và các bạn cùng lớp quá khác nhau. Trái lại, mình thích chơi cùng các bạn khoa Trung hơn, vì các bạn ấy giống mình, hiểu mình. Có những lần đi ngang qua lớp của khoa Trung, mình luôn đứng lại ở bên ngoài nghe giảng ké, vậy mà lại nghe tới say sưa. Dần dần, mình đã nghiêm túc suy nghĩ lại vấn đề chọn lựa Sư phạm Anh có phải quyết định đúng đắn hay không. Rốt cuộc, sau năm nhất, mình đã đưa ra một quyết định tạo nên bước ngoặt của cuộc đời mình: nghỉ học, quay về nhà tự học tiếng Trung và chuẩn bị apply học bổng du học Trung Quốc. Quyết định này không hề dễ dàng. Từ bỏ con đường thênh thang bằng phẳng để đi vào lối chông gai, mình cần rất nhiều dũng khí để có thể vượt qua những khó khăn, những ánh nhìn ái ngại, chế giễu, những lời đồn thị phi, những lúc chán nản tuyệt vọng khi thấy bạn bè cùng lứa đã sắp tốt nghiệp rồi mà mình còn chơi vơi chẳng đâu vào đâu. Mình nghĩ, chiến thắng khiến mình tự hào nhất, đó hẳn là chiến thắng được sự chùn bước của bản thân. Đối với mình, đấy đã là kỳ tích.

Dĩ nhiên, ba mẹ mình kịch liệt phản đối, đe dọa khuyên răn đủ kiểu, tuyên bố rằng nếu mình không quay lại trường đại học thì sẽ bỏ mặc mình, không trợ giúp tài chính nữa. Thế là mình bắt đầu làm thêm, tự nuôi sống mình bằng những công việc lặt vặt, vừa làm vừa tự học tiếng Trung. Sau 6 tháng, mình thi HSK 4 và HSKK tại viện Khổng Tử đại học Hà Nội. Sau đó khoảng 1 năm, mình thi HSK 5 và HSK 6 tại ĐH Sư phạm TPHCM.

Như vậy, mình bước vào kỳ apply học bổng năm 2020 chỉ với những hành trang ít ỏi:
– GPA cấp 3: 8.4 (trường chuyên của mình cho điểm khá gắt)
– HSK 5 (275 điểm); HSKK trung cấp (86 điểm) (Mình có thi HSK 6 nhưng điểm không được cao, phần viết chưa qua 60, chỉ nộp kèm cho các thầy cô tham khảo, nhưng có vẻ không nên nộp thì hơn, thầy phỏng vấn có khuyên mình lẽ ra nên nộp H5 thôi vì điểm H5 của mình khá ổn. Cũng là kinh nghiệm cho các bạn app sau này. :<)
– Giải HSG Quốc gia môn Văn
– Chứng nhận cộng tác viên dịch thuật với công ty TQ
– IELTS 5.5 (không cao vì mình thi từ cấp 3, chỉ nhét vào để chứng minh tiếng Anh mình tạm đủ dùng thôi)
– Lòng đam mê và hiểu biết kha khá với văn hóa Trung Quốc; kiến thức về thi ca, lịch sử khá ổn; ngoài ra mình còn thích và tìm hiểu về thư pháp và các loại hí khúc.

3. Trải nghiệm về apply học bổng:

Tuy rằng thành tích không có gì nổi trội nhưng mình lại đặt nguyện vọng rất cao, với quan niệm: “Hãy vươn đến bầu trời, dù không thể hái được vì sao sáng nhất nhưng ít ra, bạn cũng có thể đứng giữa muôn vàn tinh tú để thắp sáng ước mơ.”

Mình đã app gần 10 trường, trải dài từ thấp đến cao, tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Rất may là năm nay nhiều trường hủy bỏ thủ tục gửi hồ sơ giấy nên tiết kiệm được chút ít. Tất cả các chi phí mình bỏ ra là:
– Dịch thuật, hiệu đính: mình tự dịch, mang đi hiệu đính hết khoảng 300k, mình lấy mỗi thứ 5 bản công chứng, lại mất tầm 300k phí công chứng nữa.
– Khám sức khỏe: khoảng 1tr5 (phí khám ở Bệnh viện Hòa Hảo hơi đắt nhưng rất nhanh, tận tình)
– Phí gửi hồ sơ: 2 lần, mỗi lần hết khoảng 500k
– Phí app: 2 lần, mỗi lần 500 tệ

Mình cũng đã trải qua khá nhiều lần phỏng vấn: 1 lần với ĐH Tô Châu, 2 lần với ĐH Nam Kinh, 1 lần với ĐH Tây Bắc. Mình nghĩ điều này cũng giúp mình tích lũy được kinh nghiệm, cho dù kết quả ra sao thì những trải nghiệm này vẫn quý giá.

Mình cũng thừa nhận là bản thân đã trượt ĐH Nam Kinh, dù rằng đây là trường mình kỳ vọng nhất, nộp đến 2 học bổng cao nhất và chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Trong lúc phỏng vấn, phản ứng của thầy cô về mình khá tốt, vì vậy mà kết quả khiến mình rất bất ngờ. Nhưng mình không xem đây là điều hổ thẹn hay lãng phí.

Tố Hữu có viết: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại? Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?” Mình cảm kích cả những thất bại, vì sau thất bại, mình nhận thức rõ được năng lực của bản thân và càng cố gắng nhiều hơn. Lỗ Tấn từng nói: “Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường thôi.” Mình không sợ trước mắt chẳng còn đường để đi, chỉ sợ bản thân không còn dũng khí tiến về phía trước. Đó mới chính là thất bại thật sự.

II. Mình đã lựa chọn trường nào?

1. Lý do chọn trường:

Sau nhiều đắn đo cân nhắc, cuối cùng mình chọn gắn bó với ĐH Trung Nam ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, ngành học được cấp học bổng là Văn học Hán ngữ (汉语言文学).

Lý do thì có rất nhiều, nhưng đối với mình, lý do mãnh liệt nhất, có lẽ vẫn là niềm tin vào vận mệnh. Nếu mình đỗ ĐH Nam Kinh, có lẽ mình sẽ học ngành Tiếng Trung thương mại hay Giáo dục Hán ngữ. Nhưng mình lại đỗ ĐH Trung Nam ngành Văn học, đây cũng là học bổng đầu tiên mình biết chắc tin đỗ. Mình tin, mọi thứ đều là sự an bài của đấng cao xanh. Có lẽ, duyên phận của mình với Văn chưa thể dứt, bởi vì duyên chưa hết nên đi một vòng vẫn về lại bên Văn.

Bản thân ĐH Trung Nam cũng là một trường khá tốt, học bổng rất hào phóng, một sự lựa chọn không tệ cho các bạn muốn apply học bổng với chuyên ngành đa dạng hơn CSC và CIS mà trợ cấp thì không chênh lệch mấy. Trường là trường trọng điểm thuộc dự án 985 và 211, rank tổng hợp thường được xếp đầu tỉnh Hồ Nam (chỉ sau ĐH KHKT Quốc phòng nhưng trường Quốc phòng không tham gia các bảng xếp hạng), xếp trong top 20 trên toàn TQ, có thể xê dịch lên xuống một vài hạng nhưng không nhiều. THE xếp trường vào top 54 trên tổng số các đại học châu Á, top 401 – 500 trên tổng số các đại học toàn thế giới. Trường mới thành lập năm 2000, còn rất trẻ nhưng phát triển nhanh, cơ sở vật chất được đánh giá tốt bậc nhất tỉnh Hồ Nam. Có một số ngành thế mạnh như Y khoa (có câu “Bắc Hiệp Hòa, Nam Tương Nhã”), luyện kim (được đánh giá hàng đầu TQ, thậm chí là hàng đầu thế giới), tài liệu,… Thật ra thì viện Văn học của Trung Nam không mạnh lắm so với tổng thể của trường, ban đầu mình cũng khá ái ngại, nhưng vào website của viện Văn học xem qua kế hoạch giảng dạy cũng như đội ngũ giảng viên của viện thì khá yên tâm. Dù gì cũng là trường 985 nên đội ngũ giảng viên của viện hầu hết đều từ tiến sĩ trở lên, nhiều giáo sư và phó giáo sư, phần lớn đều tốt nghiệp từ các trường 985 danh tiếng khác như ĐH Bắc Kinh, ĐH Phục Đán, ĐH Vũ Hán, ĐH Sư phạm Hoa Đông,… Tổng thể thì nhìn khá hùng hậu.

Hẳn ai yêu thi ca Trung Quốc cũng từng nghe qua những ca từ của khúc cổ cầm “Tương phi oán” như sau:
“Quân tại Tương giang đầu
Ngã tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Cộng ẩm Tương giang thủy.”

Đại học Trung Nam có campus bắc ngang qua dòng sông Tương trong thi ca đó, một mặt dựa vào núi Nhạc Lộc sừng sững, một mặt gối đầu lên dòng Tương giang cuồn cuộn. Cách đó không xa chính là nơi sông Tiêu hợp vào với sông Tương trước khi sông Tương đổ vào hồ Động Đình. Lòng hồ Động Đình và khu vực lân cận nổi tiếng với phong cảnh đẹp, được tóm gọn trong bốn chữ Tiêu Tương Hồ Nam thường được nhắc tới trong thơ cơ nhạc họa, ai học qua “Chinh phụ ngâm khúc” chắc vẫn chưa quên hình ảnh “bến Tiêu Tương” này. Đối với người yêu thích cổ văn như mình thì Tiêu Tương, Động Đình quả thật là những cái tên gây nhiều xúc cảm.

Về mặt du lịch, trong tỉnh Hồ Nam cũng có nhiều điểm tham quan trứ danh như Trương Gia Giới, Phù Dung trấn, Phượng Hoàng cổ trấn,… Ngoài ra, Hồ Nam cũng là nơi Dịch Dương Thiên Tỉ sinh ra. Với những ai quan tâm tới giới C-biz và đu idol thì Trường Sa cũng là một địa điểm rất thích hợp, được mệnh danh là 娱乐之城 (thành phố giải trí), nơi đặt đài Xoài thân yêu. Pacman 2024

(Ảnh 6-12: Một số cảnh trong khuôn viên trường; ảnh 13-19: Một số thắng cảnh của tỉnh Hồ Nam)

2. Các học bổng của trường:

Nếu vì những điều kể trên mà bạn nào hứng thú với trường thì có thể nghía qua một chút danh sách học bổng của trường nhé. ĐH Trung Nam có rất nhiều loại học bổng, chia thành mấy loại chính sau:
– CSC: cấp cho hệ thạc sĩ và tiến sĩ, gần như danh sách ngành chỉ có các ngành loại y khoa và khoa học kỹ thuật. Các bạn có thể tham khảo chi tiết ở đây: http://iecd.csu.edu.cn/info/1035/7814.htm.

– CIS: cấp cho hệ một năm và một kỳ tiếng. Chi tiết ở đây: http://iecd.csu.edu.cn/info/1035/7821.htm.

– Học bổng trường: cấp cho cả hệ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, danh sách ngành đa dạng, học bổng giá trị gần bằng CSC và CIS. Chi tiết xem ở đây: http://iecd.csu.edu.cn/info/1035/7813.htm.

Kể cả với sinh viên Trung Quốc, trường cũng có tiếng là rất hào phóng về học bổng, nên đi học bổng trường có lẽ cũng không quá lo lắng về việc học bổng chậm trễ hay dễ cắt nè. ^^

Ban đầu mình không có quá nhiều tình cảm với Trung Nam, nhưng càng tìm hiểu thì càng thấy yêu thích và cảm thấy thật may mắn khi vận mệnh đưa mình đến bên trường. “Ký lai chi, tắc an chi”, nếu đã đến thì hãy bình tâm ở lại, biết đâu mình sẽ tìm thấy những thứ mình vẫn đang tìm kiếm ở nơi này chăng?

III. Bắt đầu hành trình apply học bổng thế nào?

1. Lập danh sách trường

Để chọn lựa một danh sách tương đối đầy đủ các trường đại học lớn ở TQ, mình chọn bảng xếp hạng của Shanghairanking: http://www.shanghairanking.com/Ch…/Overall-Ranking-2019.html

Vì mình khá rảnh nên mình sẽ dò từng web trường theo list này từ trên xuống dưới, gặp trường nào có cho học bổng hệ đại học với nhóm ngành mình muốn học (Hán ngữ) thì sẽ note lại những thông tin chính về trường, học bổng, hồ sơ yêu cầu và deadline nộp. Mình đã xem cả trăm web trường, chọn ra những trường có học bổng phù hợp với mình. Việc note lại như vậy khiến mình thống kê được thông tin, đồng thời cũng có thể thường xuyên check danh sách giấy tờ và deadline nhanh hơn. (Ảnh 20: ví dụ một phần note của mình)

Đối với hệ đại học, sự lựa chọn thường không nhiều, chúng ta nên lọc hết ra tất cả trường có học bổng rồi căn cứ vào sở thích nguyện vọng mà chọn lựa sau, bởi vì không phải khu vực nào chúng ta thích cũng có học bổng phù hợp, nếu chỉ chăm chăm nhắm vào một nơi thì sẽ khá là hạn chế cơ hội.

2. Chuẩn bị hồ sơ

Vì mình app nhiều trường nên cơ bản là phải chuẩn bị đầy đủ mọi giấy tờ sau:
– Passport
– Bằng tốt nghiệp và học bạ (dịch thuật, công chứng)
– Chứng chỉ HSK, HSKK
– Bản kế hoạch học tập
– 2 thư giới thiệu (đối với người app hệ đh thì chỉ cần thư của thầy cô cấp 3)
– Giấy khám sức khỏe
– Giấy xác nhận dân sự (về địa phương xin giấy này thì tiết kiệm hơn làm lý lịch tư pháp, nhưng bạn cần hỏi lại trường mình app xem có nhất thiết cần lý lịch tư pháp không)
– Các giải thưởng và chứng nhận (nếu có)
– Chứng chỉ tiếng Anh (nếu có)

Nếu bạn nào app CIS thì cần có thư giới thiệu của Viện Khổng Tử hoặc ĐH Sư phạm TPHCM (các bạn ở VN).

Tất cả giấy tờ trên bạn nên chuẩn bị sẵn cả bản mềm trên máy tính, nên lưu trữ với cả 2 định dạng: pdf và jpg. Một số web trường chỉ cho phép tải lên jpg nên bạn phải chuyển thành file hình ảnh, nếu tài liệu nhiều trang thì tách ra từng ảnh rồi ghép lại nhau. Vì giấy tờ mỗi trường có yêu cầu khác nhau nên mình tạo file riêng trên máy tính cho từng trường để tránh nhầm lẫn, nếu tải nhầm bản KHHT cho trường này lên web trường kia thì thật tai hại. Pacman 2024

Có một số bạn chỉ dùng một bản kế hoạch học tập và thư giới thiệu cho tất cả các trường, thay tên vào thôi. Nhưng mình cảm thấy như vậy hơi thiếu thành ý nên mình lại kỳ công chỉnh sửa cho mỗi trường một bản khác nhau, nhấn mạnh vào trường và ngành mình đang app. Mình dành thời gian đọc thông tin trên web của từng trường để dựa vào đó viết, thông tin chung về trường như lịch sử, thành tích thì có thể xem ở mục 学校概况, còn thông tin về ngành học thì có thể xem ở web học viện của mình. Nếu bạn kỹ tính hơn thì có thể cố gắng tìm phương án giảng dạy của ngành mình app ở trường đó bằng cách search tên ngành mình app + 培养方案. Tất nhiên không phải trường nào tìm như thế cũng ra, nhưng đa số các trường lớn đều có đăng đầy đủ. Nếu kỹ hơn nữa thì bạn có thể tìm danh sách các giảng viên của trường, xem phương hướng nghiên cứu của họ ra sao, dựa vào đó mà viết.

3. Chuẩn bị phỏng vấn

Mình đọc kỹ lại kế hoạch học tập của bản thân để chắc chắn mình không nói gì sai khác, tạo ra một danh sách các câu hỏi thường thấy và chuẩn bị thật kỹ.

Một số câu hỏi có thể được hỏi như sau:
– Hãy tự giới thiệu bản thân.
– Tại sao bạn lựa chọn trường chúng tôi?
– Tại sao bạn lựa chọn ngành này?
– Nếu đỗ học bổng này, bạn có dự định ra sao?
– Năm nay bạn app mấy trường? Nếu đỗ hết thì bạn làm sao? Nếu trượt hết thì bạn sẽ làm gì?
– Bạn có gì cần hỏi không? (Liên quan tới trường, ngành học,…)

Mình nhờ bạn người Trung đóng vai giáo viên phỏng vấn và luyện nói với bạn ấy, tuy nhiên những lần đầu phỏng vấn thật sự vẫn còn rất run và căng thẳng. :<

IV. Tổng kết:

Thành ngữ Trung Quốc có câu:
“Bảo kiếm phong tòng ma lệ xuất,
Mai hoa hương tự khổ hàn lai.”

Ý nói, bảo kiếm phải trải qua tôi rèn mới sắc bén, hoa mai phải trải qua giá hàn mới thơm hương, con người cũng phải trải qua gian khổ mới có được những thứ tốt đẹp hơn. Đôi lời nhắn gửi đến những ai vẫn chưa thành công trong năm nay: Xin đừng nản lòng, rồi khi mưa tan ta sẽ thấy cầu vồng.

Ngày này năm trước, mình đang buồn bã vì thất bại, thậm chí hoài nghi chính bản thân mình. Ngày này năm nay, mình vẫn có thể tự hào về chính mình. Thất bại không đáng sợ, gian khổ cũng chẳng là chi, hãy tin vào một tương lai tươi đẹp ở phía trước đang chờ bạn. Chỉ cần bạn dũng cảm bước tới.

Và mình cũng biết, có được học bổng chưa phải là đích đến của chặng đường, mà chỉ là khởi đầu. Mình còn phải nỗ lực hơn rất nhiều cho hành trình phía trước. Chỉ mong, khi gió mưa bào mòn nhiệt huyết tuổi trẻ, lúc chông gai làm sờn tấm lòng thanh xuân, quay đầu nhìn lại, mình vẫn là cô gái ôm ấp hi vọng vào tương lai, tin rằng mộng tưởng rồi sẽ thành hiện thực.

Mùa thu năm 2020.

Đừng quên dành tặng cho chúng mình 1 Like nếu bạn thấy bài viết hữu ích nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền bởi:

Content Protection By Dmca.com

Admin: Trần Ngọc Duy

Admin Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc

Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc

Group chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn tự Apply học bổng Trung Quốc

Yêu Tiếng Trung

Group chia sẻ kiến thức, cùng nhau học tập tiếng Trung Quốc

Để lại bình luận của bạn
Bình luận
Tên
Email