Nhà Thiệt Nghèo, Mồ Côi Cả Cha Lẫn Mẹ Có Đi Du Học Trung Quốc Được Không?

Nhà Thiệt Nghèo, Mồ Côi Cả Cha Lẫn Mẹ Có Đi Du Học Trung Quốc Được Không?

(Bài viết này chứa đựng nhiều tự sự của mình, sẽ hơi dài cho chủ đề du học nhưng hy vọng rằng bạn sẽ dành thời gian đọc hết bài viết. Mình sẽ cảm ơn bạn thiệt nhiều về thời gian bạn dành cho mình. Nếu có ai đó cùng hoàn cảnh với mình thì hy vọng rằng bạn sẽ mạnh mẽ bước qua, nhé!)
Tâm thái khi đối diện với bất hạnh trong cuộc sống, học tiếng Trung và thi HSK6 trong hơn 1 năm và quá trình apply học bổng Trung Quốc là những gì mình muốn chia sẻ trong bài viết này. Mình luôn tin rằng, mỗi quyết định, mỗi hành động của chúng ta đều ảnh hưởng đến mắc xích quan trọng của cuộc đời. Đó chính là lý do mà vì sao mình – một đứa chưa từng nghĩ đến việc học lên cao hơn sau khi tốt nghiệp đại học hoặc đi du học ngồi ở đây, viết dòng chia sẻ về con đường du học.
Và thật ra là trên con đường du học, mình chỉ là một hành khách non nớt mà đạt được học bổng Trung Quốc chỉ mới là cột mốc đánh dấu rằng mình đã có được cơ hội khám phá rộng hơn về thế giới, về kiến thức, về những giá trị mà trước đây mình chưa bao giờ chạm đến và về những trải nghiệm chưa biết là cay đắng hay là ngọt bùi.

Bất Hạnh Thì Có Làm Sao?

Nhà nghèo, mẹ mất từ năm 10 tuổi nên mình luôn tự lập trong cuộc sống hằng ngày. Nhà mình nằm ngay trong khu mà tất cả hàng xóm đều cách đều bằng một khu vườn rộng vài trăm mét vuông, xung quanh toàn là mộ của những người mất trong chiến tranh hay vì bất cứ lý do nào đó.
Mình đã từng sợ cái thứ gọi là “ma quỷ” nhưng chưa bao giờ dám níu bước chân của ba mỗi chuyến đi làm xa vì biết rằng, chuyến đi đó có chứa đựng những hy vọng về cuộc sống ngày một tốt hơn của hai cha con. Ngày ngày mình vẫn đi học, tối đến làm bạn với bóng đêm đã tôi luyện mình thành một con người gan dạ. Mình tin rằng, ngày xưa đó đã giúp mình rất nhiều khi một mình đến Sài Gòn đất khách quê người học tập. Tự lập giúp mình nhanh chóng thích nghi với những thứ mới mẻ ở thành phố. Và cũng giúp mình trên hành trình hơn 1 năm rưỡi chinh phục học bổng Trung Quốc.
Lớn lên trong tình thương của ba, mình quyết tâm học thật tốt, nhanh ra trường để kiếm tiền chăm lo cho ba. Mình nghĩ lúc mình tốt nghiệp cũng là lúc ba mình có thể buông xuống mọi nặng nhọc nhưng số phận chưa bao giờ như những gì chúng ta nghĩ. Hè năm 3, ba mình đột ngột mất do đột quỵ. Mọi thứ với mình như sụp đổ vì ba chính là động lực để mình phấn đấu. Vì mong ba không quá cực khổ lo cho mình ăn học, trong suốt những năm đại học, ngoài giờ lên lớp, mình đã lao đầu vào những việc có thể làm kiếm tiền, từ phát tờ rơi, bán sữa đến làm gia sư, tiếp thị hàng hóa trong siêu thị… Mọi người thường gọi mình là thợ đụng – đụng cái gì cũng làm được. Thế nhưng thật sự không phải cứ nỗ lực thì mọi kết quả đều như ý muốn vì những bất trắc vẫn vờn quanh cuộc sống của chúng ta hằng ngày. Điều chúng ta làm tốt nhất có thể là không để mỗi ngày trôi qua trong vô ích và hối tiếc.
Bất hạnh – mình đã từng nghĩ như thế về ¼ cuộc đời của mình. Mất mẹ rồi lại mất ba, nhà nghèo đến nỗi chiếc máy bơm nước cũng không có, nhà vệ sinh “lộ thiên” cho đến tận bây giờ. Người xung quanh cũng thường nhìn mình với ánh mắt thương hại và thốt lên những lời cảm thán “số con bé tội thật”, “khổ quá”, “rồi giờ biết nương tựa vào ai”… Nhưng bạn biết không, đứng ở vị trí của mình, có hai loại người sẽ ra đời. Một loại người là vượt lên số phận và một loại người là buông bỏ mọi thứ, trở thành một người “chẳng ra sao cả” và thật may khi mình thuộc loại người thứ nhất. Tâm thái lạc quan khi đối diện với mọi bất hạnh, niềm tin về sự công bằng, về quả ngọt qua những nỗ lực chính là yếu tố tạo nên con người mình hiện tại.

Mình Đã Từng Nghĩ, Nhà Nghèo Thì Làm Sao Mà Đi Du Học Được?

Mình chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi du học cho đến khi đọc được bài viết về việc tự xin học bổng của anh Trần Ngọc Duy. Tháng 08/2018, mình bắt đầu tiếp xúc với tiếng Trung từ con số 0. Không thầy cô, không bạn bè và không giáo trình, mình bắt đầu mày mò tự học tiếng Trung buổi tối tại nhà sau khi tìm được một công việc ổn định.
Lúc ấy tiếng Trung với mình chỉ là thứ ngôn ngữ xa lạ và học là vì sở thích, học để biết thêm và không mang bất kỳ mục đích nào. Vì vậy, mình học tiếng Trung trong tâm thế thoải mái nhất, thích thì học, rảnh thì học. Nhưng qua mỗi bài học, tiếng Trung lại càng cuốn hút mình. Dần dần, mình lân la tìm hiểu về các loại học bổng Trung Quốc, sau đó biết đến học bổng Khổng Tử rồi học bổng CSC và vô số loại học bổng khác.
Ý muốn đi du học đã một lần bùng lên nhưng bị dập tắt ngay sau khi nghĩ đến vấn đề đầu tiên – tiền đâu. Thật sự mình không có nguồn tài chính hoặc người tài trợ tài chính nào khác ngoài chính bản thân. Trong khi đó, mình luôn cho rằng việc xin học bổng chỉ có thể thực hiện thông qua trung tâm và con số 100 triệu – 150 triệu phí xin đối với mình thật sự chỉ có trong mơ. Thế là mình lại vứt bỏ đi suy nghĩ được đi du học.
Bẵng đi một thời gian, sau khi ăn Tết 2019, mình lại tình cờ biết đến những bài hướng dẫn tự xin học bổng Trung Quốc. Đầu mình “ồ quao”, hóa ra học bổng có thể tự xin được. Vậy là dù nhà nghèo, dù không cha mẹ tài trợ tài chính thì mình cũng đã có thể đi du học Trung Quốc được rồi.
Mình cảm thấy học bổng Trung Quốc như một phép màu vì đã giúp nhiều sinh viên muốn vẽ tiếp con đường học tập có thêm nhiều cơ hội mà không phải lo lắng quá nhiều về tài chính. Mình thật sự biết ơn anh Trần Ngọc Duy, anh Quảng Đạt, anh Đoàn Bá Toại, anh 白龙, chị Kim Liên, chị Huyen Nguyen và nhiều anh chị khác đã không chần chừ chia sẻ về những cách xin học bổng, bí quyết xin học bổng. Nếu không có các anh chị ấy, thì chúng ta – những người mang giấc mơ du học Trung Quốc muốn thực hiện cũng không hề dễ dàng chút nào, có đúng không!

Học Tiếng Trung – Thứ Giúp Mình Thực Hiện Giấc Mơ Du Học Trung Quốc

Nếu không học tiếng Trung, mình sẽ không nghĩ tới con đường đi du học vì tiếng Anh của mình không tốt lắm. Nên có thể nói tiếng Trung chính là “cây cầu duyên phận” đưa mình đến với đất nước Trung Quốc xinh đẹp. Vậy mình đã học tiếng Trung và thi đậu HSK6 trong chỉ hơn 1 năm như thế nào?
Từ tháng 08/2018 – 3/2019, mình học tiếng Trung không mang mục đích cụ thể nhưng sau khi quyết định du học Trung Quốc, thi đậu HSK5 là mục tiêu đầu tiên của mình. Lúc này, mình mới chỉ học tới quyển 3 của giáo trình Hán Ngữ. Trong khi đó, mình tính toán, tháng 08 mình phải thi HSK một lần để xem thành tích như thế nào, nếu không tốt, tháng 12 mình vẫn còn cơ hội thi lại để cải thiện kết quả.
Vì vậy, mình lao đầu vào học tập mỗi đêm, từ 7h30 – 11h. Từ tháng 3 – 6, mình đã cày hết 3 cuốn giáo trình Hán Ngữ còn lại và còn được khoảng 1 tháng 17 ngày để ôn và luyện đề thi HSK5. Kết quả HSK5 của mình là 234 điểm, không quá cao những cũng đủ tiêu chuẩn để xin học bổng. Sau khi nghỉ xả hơi 15 ngày, mình lại lao đầu vào ôn thi HSK6 cho kỳ thi ngày 1/12, tức là 3 tháng sau đó. Thực sự HSK5 lên HSK6 là một cái gì rất trừu tượng, qua cố gắng sau những lần muốn bỏ cuộc thì mình đã đậu HSK6 với số điểm vừa đạt 192, mình tạm hài lòng cho thành tích này. Đầu năm nay, do dịch bệnh nên nhiều bạn cũng không thể thi HSK nên đã “đánh rơi” nhiều cơ hội du học. Bài học rút ra là hãy cố gắng chuẩn bị mọi thứ càng sớm càng tốt. Chuẩn bị càng sớm, bạn càng có nhiều thời gian chỉnh chu và làm tốt nhất có thể để giúp hồ sơ gây ấn tượng với nhà trường. Dưới đây là quá trình tự học và thi HSK của mình:

Phương Pháp Tự Học Tiếng Trung

Về Giáo Trình:

– Sau khi tham khảo nhiều thông tin trên mạng, mình quyết định chọn giáo trình Hán Ngữ 6 cuốn.
– Theo mình, đây là cuốn sách phù hợp với những bạn tự học, ngữ pháp từ đơn giản đến phức tạp, giải thích rõ ràng, dễ hiểu. Hơn nữa, trên mạng có rất nhiều video hướng dẫn ngữ pháp theo cuốn này nên cực kỳ thích hợp với người tự học.
– Nhược điểm của cuốn này là chỉ tập trung vào một số ngữ pháp chính, chưa mở rộng kiến thức hoặc đi quá sâu vào phân tích một phần ngữ pháp.

Về Cách Học Từ Vựng:

– Thường thì 1 bài trong giáo trình, mình sẽ chia thành 2 ngày. 1 ngày học từ vựng, ngữ pháp, ngày còn lại thì làm bài tập và đọc bài khóa nhuần nhuyễn.
– Viết chữ càng nhiều càng tốt, vừa viết vừa đặt câu với từ vừa học.
– Sau khi học thì lần lượt ôn lại nhiều lần, mình học từ vựng theo kiểu cuốn chiếu, nghĩa là mình học bài sau thì trước khi học mình sẽ ôn lại kiến thức và từ vựng bài cũ. Mỗi ngày đều như thế, khi số lượng bài đã học nhiều thì mình sẽ phân chia các bài cũ để ôn vào những ngày khác nhau. Cách này mình cũng áp dụng để học sử thi Đại Học, thi học sinh giỏi khá hiệu quả.

Về Ngữ Pháp

Mình làm bài tập trong sách, sau đó sẽ vận dụng ngữ pháp đặt câu và nói để nhớ kiến thức.
– Nên thường xuyên ôn lại các kiến thức ngữ pháp để nắm chắc.

Về Luyện Nói

– Sau khi học được một vốn từ vựng kha khá, mình mới dám kết bạn cùng người Trung Quốc nói chuyện. Đây là cách luyện nói tốt nhất.
– Bạn đầu mình nhắn tin để quen trước rồi dẫn dần chuyển qua gửi tin nhắn thoại, sau đó là gọi điện thoại hoặc video nói chuyện, mỗi tuần ít nhất 2 lần.
– Mình dùng ứng dụng Hello Talk để kết bạn với người Trung, sau khi quen rồi, mình xin thêm wechat. Tốt nhất là nên tìm những bạn đang học tiếng Việt. Về phần này thì bạn yên tâm, có rất nhiều người Trung đang học tiếng Việt nhé!

Về Luyện Nghe

– Mình đi làm nên không có nhiều thời gian để luyện nghe. Khi ở trên công ty, mình sẽ mở các bài khóa giáo trình hán ngữ nghe đi nghe lại nhiều lần. Sau đó là lên kênh youtube A LITTLE FOX CHINESE để nghe thêm và nhiều video trên youtube khác nữa. Nghe chủ động hay bị động đều tốt với cả.

Kinh Nghiệm Ôn Thi Hsk 5 Và 6

Sau khi học xong 6 cuốn giáo trình hán ngữ, mình đăng ký thi HSK5 trực tiếp luôn, không thi các cấp thấp hơn.
– Mình làm bài tập và học ngữ pháp trong cuốn BÀI TẬP CỦNG CỐ NGỮ PHÁP HSK, CẤU TRÚC GIAO TIẾP VÀ LUYỆN VIẾT HSK 4 – 5 của Nhật Phạm. Cuốn này giúp mình nắm thêm một số ngữ pháp mở rộng mà GTHN 6 quyển không có, đồng thời, luyện chữa câu sai, sắp xếp câu, trắc nghiệm và cả luyện dịch.
– Cuốn này có cả hướng dẫn cách làm phần viết HSK 4, 5. Theo mình, bí quyết làm phần viết này thì có thể áp dụng cho tất cả cách viết văn. Mình áp dụng cách trong sách và luyện viết thường xuyên giúp nâng khả năng tốt lắm. Và các bạn cũng nhớ là nên dùng bút chì 2B luyện viết cho quen vì thi toàn bộ sẽ sử dụng bút chì.
– Cách ngày thi khoảng 1 tháng, mình luyện đề thi. Phần nghe HSK5 mình chỉnh tốc độ lên 1.25 theo bí quyết của một chị và cảm thấy cách này khá hiệu quả.
– Luyện đề mình mua cuốn đề thi thật năm 2018 và một số đề trên app HSK ONLINE. Vừa luyện đề mình vừa học thêm bộ 5000 từ vựng. Đồng thời, trong suốt thời gian ôn, mình học thêm nhiều càng nhiều càng tốt.
– Đặc biệt là canh thời gian làm bài thi nữa nhé.

VỀ BÍ QUYẾT LÀM BÀI THI

Phần Nghe
– Cố gắng tranh thủ đọc đáp án trước khi phần nghe bắt đầu nhé! Sang đoạn văn, bạn có thể ghi lại các con số, chi tiết để chọn đáp án. Khi kết thúc phần nghe, bạn có 5 phút để điền đáp án nên trước đó, chỉ cần đánh dấu vào đáp án muốn chọn để tiết kiệm thời gian xem trước đáp án câu tiếp theo.
– Mình không cố gắng nghe hiểu hết đoạn văn, chỉ nghe hiểu đại khái để chọn đáp án thôi. Các bạn cũng đừng cố gắng nghe hiểu từng từ sẽ làm mất tập trung, ảnh hưởng đến đoạn văn tiếp theo.
Phần Đọc
– Phần điền đáp án vào: mình xem các thành phần xung quanh, xác định thành phần cần điền là N, ADJ, ADV hay V… rồi chọn đáp án.
– Phần tóm tắt nội dung, mình thường không đọc hết đoạn văn, chỉ đọc câu đầu, câu cuối và xem đáp án để chọn. Trường hợp không chọn được thì mình mới đọc hết đoạn văn.
– Phần đọc đoạn văn trả lời câu hỏi: đọc câu hỏi rồi lội ngược lên tìm đáp án là tốt nhất. TUYỆT ĐỐI LÀ KHÔNG ĐỌC HẾT ĐOẠN VĂN VÌ KHÔNG ĐỦ THỜI GIAN LÀM PHẦN ĐỌC NHÉ.
Phần Viết
+ HSK 5
Theo mình, phần này không khó, chủ yếu là bạn nắm vững ngữ pháp là viết tốt.
Viết đoạn văn nếu có thể thêm thành ngữ thì tốt, nếu không chắc chắn, bạn nhớ dùng những câu đơn giản để diễn đạt, thà đơn giản mà đúng còn hơn phức tạp mà sai nhé!
+ HSK 6
Bạn sẽ phải đọc đoạn văn 1000 chữ và tóm tắt thành đoạn văn 400 chữ. Bạn chỉ có 10 phút để đọc đề và giám thị sẽ thu lại đề. Vì vậy, bạn cần rèn luyện khả năng ghi nhớ, đặc biệt là nội dung chính của từng đoạn trong bài văn. Bí quyết là sau khi đọc xong, bạn ngay lập tức lập dàn ý cho đoạn văn và take note lại những ý chính. Đối với tên riêng, nếu không nhớ, bạn có thể xử dụng đại từ nhân xưng thay thế. Bạn cũng dừng quên đặt tiêu đề cho đoạn tóm tắt của mình nhé.
Lưu ý dấu câu nhé, dấu câu trong tiếng Trung khác với tiếng Việt, các bạn tìm hiểu thêm, trong cuốn ngữ pháp mình ôn cũng hướng dẫn chi tiết.
Nộp Hồ Sơ 4 Trường, Tạch Hết 3 Trường CSC, Khi Sắp Từ Bỏ Thì Nhận Được Tin Báo Đậu Học Bổng Trường
Học bổng mình xin được không phải là học bổng CSC mà chỉ là học bổng trường hệ Thạc sĩ nhưng may mắn là có chế độ ngang với CSC nên mình hoàn toàn có thể yên tâm theo học trong thời gian sắp tới. Nhưng do cũng từng xin học bổng CSC ở 3 trường nên mình có một ít kinh nghiệm dành cho những bạn dự định xin trong tương lai.

Làm Hồ Sơ Không Giống Ai

Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ mà một bộ hồ sơ xin học bổng yêu cầu thì việc tạo điểm nhấn cho hồ sơ rất cần thiết. Làm hồ sơ không giống ai không có nghĩa là hồ sơ của bạn lập dị mà chỉ đơn giản là nó thể hiện đến được những ưu điểm của bạn để thuyết phục trường rằng, bạn xứng đáng được nhận học bổng.
Theo mình, nên chuẩn bị hồ sơ càng sớm càng tốt để có nhiều thời gian chỉnh sửa và cải thiện. Kế hoạch học tập, thư giới thiệu, thư chấp nhận, chứng chỉ tiếng là những yếu tố có thể giúp bạn đánh bóng bản thân.
Trong cách làm của mình, viết kế hoạch học tập không nên theo khuôn mẫu. Bạn có thể trình bày phá cách nhưng vẫn đủ nội dung về giới thiệu bản thân, background học tập, lý do muốn đến Trung Quốc du học và kế hoạch học tập sắp tới. Về kế hoạch học tập, thay vì những thông tin như viết đề cương luận văn, bảo vệ luận văn, mình thay thế bằng định hướng nghiên cứu và chủ đề nghiên cứu để trường thấy rằng mình là người có định hướng rõ ràng, có hiểu biết về chuyên ngành sắp học và có triển vọng để được trao học bổng. Hình thức trình bày đẹp mắt và logic. Mình đã viết kế hoạch học tập bằng tiếng Việt, sau đó tự dịch sang tiếng Trung và nhờ một số anh chị xem, góp ý. Các ý kiến của anh chị sẽ mang tính thực tế giúp bạn hoàn thiện bảng kế hoạch học tập tốt hơn.
Về thư giới thiệu, mình chọn viết bằng tiếng Anh vì thầy cô giúp mình ký không biết tiếng Trung. Mình không viết rằng “em Nguyễn Văn A là một sinh viên chăm chỉ, có khả năng làm việc nhóm, có định hướng nghiên cứu…”. Đây là một lời khen sáo rỗng nên rất ít được tin tưởng. Đối với mỗi ưu điểm, mình đều đưa ra dẫn chứng thực tế để tăng tính thuyết phục. Ví dụ, thầy cô khen bạn năng động thì bạn đã làm gì để thấy được sự năng động ấy.
Mình apply học bổng hệ Thạc sĩ nên sau khi viết xong thư giới thiệu, khó khăn lớn nhất mình gặp phải là khoa mình chỉ có 1 PGS và cô đã từ chối mình bằng một câu rất nhẹ nhàng “cô không biết em”. Nhưng mình vẫn không bỏ cuộc, đi tìm hiểu thì biết được nhiều trường hợp chỉ có thư giới thiệu của Tiến sĩ vẫn được chấp nhận nên đã tìm đến cô Trưởng khoa và một giảng viên khác đã dạy mình 2 môn và may mắn được hai cô giúp đỡ. Nhờ vậy, vấn đề được giải quyết nhưng mình vẫn lo lắng nhiều về tỷ lệ đỗ khi chỉ có thư của 2 Tiến Sĩ.
Ngoài ra, trong thời gian chuẩn bị hồ sơ, mình cũng tìm kiếm những hoạt động ngoại khóa về học thuật hoặc công ích xã hội để tham gia và nhận chứng nhận. Nhưng do mình đi làm, thời gian hạn hẹp nên đến cuối cùng chỉ đi được 1, 2 hoạt động. Nếu bạn có thời gian, hãy tìm kiếm những chương trình hoạt động ngoại khóa mang tính quốc gia hoặc quốc tế để làm đẹp cho hồ sơ của mình nhé.

Quá Trình Apply Và Gửi Hồ Sơ “Trầy Trật”

Mình apply 3 trường học bổng CSC vào cuối tháng 2 và gửi hồ sơ giấy đi ngay sau đó. Lúc đó, mình hoàn toàn không biết rằng, các trường đang đóng cửa và sẽ không có người nhận hồ sơ của mình. Vì vậy, kinh nghiệm cho lần này là các bạn sau apply xong thì hãy gửi mail hỏi trường về việc nộp hồ sơ giấy. Nếu trường chỉ yêu cầu nộp hồ sơ online thì sẽ tiết kiệm cho bạn rất nhiều.
Suốt 1 tháng sau khi gửi hồ sơ mình luôn thấp thỏm lo âu, liên tục check hành trình, nhìn thấy bên giao hàng nhiều lần gọi điện nhưng vẫn không liên lạc được với trường, thật sự sợ hãi hồ sơ sẽ bị trả trở lại và không kịp nộp đúng hạn. Nhưng may sao sau đó, có 2 trường đã nhận được hồ sơ, trường còn lại vì quá lâu và không muốn gửi về Việt Nam tốn thời gian nên mình nhờ bạn người Trung Quốc nhận và giữ hộ mình nhưng sau đó cũng nhận được thông báo của trường là không cần hồ sơ cứng.
Đến cuối gần cuối tháng 4, mình mới quyết định nộp thêm hồ sơ xin học bổng trường sau lời giới thiệu của một người bạn. Lúc này mình chỉ có 10 ngày để gửi hồ sơ sang trường (trường không apply trên web và chỉ cần gửi hồ sơ online qua mail) nhưng để thể hiện thành ý, mình đã cố gắng dùng DHL để gửi hồ sơ nhanh nhất qua trường và thật may là trường nhận hồ sơ vào đúng ngày hết hạn. Đây cũng là trường mình trúng tuyển.

Phỏng Vấn Như Thế Nào Cho Ấn Tượng?

Trong 4 trường mình apply thì chỉ có một trường là yêu cầu gửi video tự giới thiệu bản thân. Mình còn nhớ là hôm đấy vừa tới công ty thì nhận được mail yêu cầu gửi video phỏng vấn. Deadline là ngay ngày hôm sau, thời gian thực sự rất gấp nên mình đã hối hả xin nghỉ và phi về nhà để quay video. Thật may là trước đó, mình đã bắt đầu lên mạng tìm hiểu về những câu hỏi phỏng vấn, cách trả lời và chuẩn bị nội dung đầy đủ. Nếu không chỉ trong 1 ngày, mình không thể nào chuẩn bị nội dung phỏng vấn chỉnh chu. Vì vậy, dù chưa biết là trường có phỏng vấn hay không thì bạn cũng nên chuẩn bị trước nhé.
Suốt một ngày, mình quay video thất bại nhiều lần, mình nhận ra, mình khi nói hay à, ờ nhiều, mắt láo liên và không dám nhìn thẳng vào máy quay và nói hay bị vấp nên mình kiên trì quay đến khi nào các vấn đề đó được khắc phục thì cũng là lúc giọng mình bị khàn hẳn đi. Dù là khi phỏng vấn qua video call hay chỉ gửi video thì mỗi cái đều có khó khăn riêng. Bạn cần làm là chuẩn bị nội dung phỏng vấn thật tốt, trang phục chỉnh tề, trang điểm nhẹ và luôn nở nụ cười để tạo thiện cảm, chú ý đến ánh sáng trong phòng, tiếng ồn và kết nối wifi nhé.
Về nội dung phỏng vấn, mình tạo ấn tượng bằng cách kể về khó khăn mình đã gặp phải và cách mình vượt qua cùng tâm thái luôn lạc quan đối diện mọi thứ. Đây là một điều kiện để thuyết phục rằng mình sẽ có thể học tập thật tốt dù ở nơi đất khách quê người. Mình thể hiện sự dụng tâm tìm hiểu về Trung Quốc, về trường mình lựa chọn, đánh mạnh vào điểm nổi bật của trường, ngành vì ai mà chẳng thích khen nhưng hãy nhớ là khen đúng thực tế. Nếu bạn phỏng vấn trực tiếp qua video, hãy chủ động đặt câu hỏi nhé!
Và cuối cùng, sau cơn mưa trời lại sáng khi bị 3 trường từ chối, mình đã nhận được thông báo được nhận học bổng. Sắp tới đây, có lẽ mình sẽ phải học online một thời gian, sẽ có nhiều khó khăn nhưng mình tin chắc rằng mình mạnh mẽ vượt qua bởi vì “Khi bạn thực sự mong muốn một điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lại giúp bạn đạt được nó.”
P/S: Trong ảnh là mail mình trao đổi với các trường trong quá trình xin học bổng và mail mình nhận được thông báo được học bổng.
118483812 1273117949715665 4244275318226363434 O 2024
117967822 1273119063048887 887397433772604285 N 2024

Đừng quên dành tặng cho chúng mình 1 Like nếu bạn thấy bài viết hữu ích nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền bởi:

Content Protection By Dmca.com

Admin: Trần Ngọc Duy

Admin Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc

Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc

Group chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn tự Apply học bổng Trung Quốc

Yêu Tiếng Trung

Group chia sẻ kiến thức, cùng nhau học tập tiếng Trung Quốc

Để lại bình luận của bạn
Bình luận
Tên
Email