BÍ KÍP HỌC TIẾNG TRUNG CỦA MỘT DÂN NGOẠI ĐẠO

BÍ KÍP HỌC TIẾNG TRUNG CỦA MỘT DÂN NGOẠI ĐẠO

BÍ KÍP HỌC TIẾNG TRUNG CỦA MỘT DÂN NGOẠI ĐẠO được viết bởi thầy Nguyễn Quốc Tư – NCS Tiến sĩ ngôn ngữ Trung tại Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh. Nếu bạn là người đang thích học tiếng Trung hay bị mất phương hướng thì Laizhongliuxue khuyên bạn nhất định phải đọc hết bài viết này!

BÍ KÍP HỌC TIẾNG TRUNG CỦA MỘT DÂN NGOẠI ĐẠO

Nguyễn Quốc Tư (16/09/2014)

Mình có ý định viết bài này đã lâu nhưng hôm nay mới có thời gian đặt phím…

Lời đầu tiên mình muốn chia sẻ là “không có cách học nào là vạn năng, phù hợp với tất cả mọi người!” 

Để học tốt tiếng Trung hay bất kỳ 1 ngôn ngữ nào khác bạn cần có những thứ sau, mình sắp xếp theo mức độ quan trọng:

  1. Niềm đam mê
  2. Sự kiên trì
  3. Giáo viên, tư liệu tốt
  4. Phương pháp học chính xác
  5. Thời gian và năng khiếu

Nhiều người cho rằng mình không học được vì không có năng khiếu hoặc không có thời gian, xin thưa các bạn: “tất cả chỉ là nguỵ biện!

Năng khiếu ngôn ngữ…Quá buồn cười khi bạn bảo bạn không học tốt được tiếng Trung khi bạn không có năng khiếu ngôn ngữ, mình chỉ chấp nhận câu nói này khi tiếng Việt bạn nói không sõi, ngọng, mù chữ…… Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu tiếng mẹ đẻ bạn nói bình thường thì đừng bao giờ đổ lỗi cho mình không có năng khiếu học ngoại ngữ!.

Thời gian…Có thời gian hay không tất cả là do bạn, những người hay bảo tôi không có thời gian đọc sách, không có thời gian tập luyện, không có thời gian học tiếng Trung… đơn giản chỉ vì bạn để mức quan trọng của việc học tiếng Trung ở một mức độ quá thấp. Bận như tổng thống mà ông muốn học ngoại ngữ ông vẫn có thời gian học mỗi ngày!

Quay lại chủ đề chính, mình xin chia sẻ cách học mà mình đã học và thành công hơn mong đợi:

Nguyên tắc tiến bộ căn bản: viết kém -> viết nhiềuđọc kém -> đọc nhiềunghe kém -> nghe nhiềunói kém -> giao tiếp nhiều. Nghe có vẻ đơn giản nhưng quan trọng là bạn phải biết mình kém ở đâu và dùng phương pháp nào để học một cách chính xác và hiệu quả.

Nguyên tắc tiến bộ lâu dài: muốn nói giỏi — nghe nhiều, muốn viết giỏi — đọc nhiều. Đây là cách học thực thụ để đạt được trình độ ngang người bản xứ.

Kỹ năng nghe

Ở trình độ sơ cấp các bạn chỉ cần nghe băng đĩa và ghi âm phần phát âm, luyện âm, từ mới và hội thoại nhiều lần là đủ. Trình độ trung cấp (HSK3 trở lên) các bạn nếu quỹ thời gian hạn hẹp vẫn nghe băng đĩa ghi âm là đủ, nếu có nhiều thời gian và đặc biệt trình độ HSK4 trở lên các bạn nên bắt đầu tải các ứng dụng nghe của TQ về tập nghe.

Ví dụ: nghe truyện cười, thời sự, tâm sự, tài chính kinh tế, kể chuyện đêm….mình và người Trung đều rất hay dùng app 喜马拉雅 , giọng đọc tuyệt vời luôn, rất nhiều thể loại cho mình nghe với đúng giọng người TQ nói cho nhau nghe chứ không phải kiểu băng đĩa đọc chậm cho người nước ngoài nghe đâu. Ngoài ra thỉnh thoảng cũng thấy có người dùng 朗易思听, 荔枝FM, 心理 FM… để nghe những cái này.

Vì mình rất chú ý đến phát âm nên mình dùng thêm ứng dụng 为你朗读, luyện phát âm rất tuyệt vời cùng các giáo viên có giọng đọc rất truyền cảm.

Nghe nhạc dùng QQ music, Sougou music hoặc nghe trên Youtube.
Xem phim rất nhiều nguồn các bạn tự lựa chọn nhưng nhớ là dù không hiểu cũng không nên xem phim lồng tiếng, ít ra phải có tiếng gốc của phim hoặc tiếng gốc + phụ đề thì nghe càng lên nhanh.

Nghe thời sự (HSK5-6) để đạt được trình độ cao thủ tiếng Trung bạn không thể không qua ngưỡng cửa nghe thời sự TQ, 新闻联播 chuẩn mọi mặt về phát âm dùng từ… nhưng độ khó tương đối cao và đặc biệt nếu bạn nghe tốt và đồng thời dịch sang tiếng Việt cùng lúc tốt thì hãy tự tin bạn đã rất giỏi Tiếng Trung rồi đó.

*Lưu ý: Đừng bỏ cuộc khi bạn nghe không hiểu, hãy để nghe trở thành một thói quen. Lúc mình học đại c mỗi ngày từ nhà đến Hanu 40 phút đi xe máy mình đều đeo tai nghe không mở âm lượng quá lớn vừa đảm bảo được an toàn giao thông và cũng để việc nghe thành một thói quen, mình đã nghe truyện cười (笑话段子 ) trên 喜马拉雅 từ lúc mình chỉ hiểu được vài từ đến khi thỉnh thoảng nghe hiểu một câu, một đoạn, nội dung chuyện cười và cuối cùng là đa phần chuyện cười.

Cảm giác thay đổi của quá trình đó thật là tuyệt. Và mình còn phát hiện một điều là nếu bạn kiên trì nghe bạn sẽ tiến bộ trong cái không nhận thức được của chính bản thân mình, đến một ngày bạn phát hiện ra từ này mình chưa học đã biết, đã nghe ở đâu rồi…

Và quan trọng hơn nữa là khi nghe, bạn có thể không cần để tâm đến nó nói gì, kệ nó, bạn phải nhớ rằng não bộ của bạn vẫn nghe và vẫn học trong lúc bạn suy nghĩ về việc khác, làm việc khác… thật là vi diệu phải không nào?

Kỹ năng nói

Quan trọng nhất bạn phải tự tin nói, nói ra được là bạn đã thành công một nửa, cho dù đối phương chưa hiểu hết nhưng bạn đã thắng chính bản thân mình.

Sau khi làm được bước này thì bạn bắt đầu phải kiểm soát mình đang nói gì, dùng từ như thế nào và hãy cố gắng dùng những cấu trúc mình đã học, tương tự bài khoá để biểu đạt, yên tâm bạn sẽ không sai.

Ngoài ra khi có cơ hội tiếp xúc với người TQ bạn hãy để ý từng câu nói từng từ của họ, bạn đừng bao giờ nghĩ rằng câu “Cậu ăn cơm chưa?” mình biết rồi mình không học nữa… Người ta có cả chục cách để hỏi và trả lời trong trường hợp đó, hãy bắt chuước họ sao cho bạn dùng được đúng ngữ cảnh nhất, tự nhiên nhất và hay nhất chứ đừng chỉ biết 你吃饭了吗 ? và dùng nó trong mọi trường hợp.

Học ngôn ngữ chính là đi bắt chước, bạn bắt chước thành công bạn chính là người thành công!

Phát âm cũng vậy, mình luôn cấm học sinh mình ghi chú thích cách phát âm bên cạnh một chữ. Không khác gì “important” trong tiếng anh bạn ghi chữ “im pót từn” bên cạnh cả. Bạn sẽ không bao giờ học được nó một cách chính xác. Hãy nhớ rằng hai ngôn ngữ thường không bao giờ có sự tương đồng 100% về phát âm, để phát âm được tốt bạn hãy chịu khó lắng nghe và bắt chước thật giống nhé!

Kỹ năng đọc

Các bài khoá trong giáo trình là quá đủ để bạn luyện đọc, nếu bạn đã đọc tốt bài khoá mình khuyên bạn để đọc tốt hơn nữa, chuẩn hơn nữa, ngữ điệu tự nhiên hơn nữa….mình không yêu cầu bạn đi tìm các bài đọc quá khó để rồi nản lòng và bỏ cuộc. Nếu còn thời gian hãy dành để luyện viết. Nó sẽ thể hiện bản lĩnh của bạn khi bạn đặt phấn, đặt bút!

Kỹ năng viết

Viết chữ Hán thực sự rất khó, rất nhiều bạn bảo hay quên chữ… Thưa các bạn, đó là chuyện thường xuyên! Không phải mình bạn, người TQ cũng quên cách viết của các chữ ít gặp thậm chí các chữ thường gặp một cách thường xuyên vì ngày nay họ đánh máy nhiều hơn viết tay. Thế nên hãy đừng lo khi bạn quên cách viết một chữ nào đó, hãy tìm lại nó và viết lại.

Để kỹ năng viết tay tốt mình khuyên bạn nên học ít thư pháp khi ở trình độ trung cấp trở lên. Tại sao lại thế? Măng thì dễ uấn hơn tre, khi bắt đầu học chữ bạn hãy cố gắng chịu khó hoàn thành hết các bài viết và viết rõ ràng.

Khi học đến trung cấp trở lên cũng là lúc bạn cần cảm hứng cho việc học chữ, nếu bạn chữ xấu mình đảm bảo bạn sẽ càng ngày càng lười viết và hậu quả là viết kém. Nhưng nếu bạn có một nét chữ đẹp mà ai nhìn cũng thích thì chúc mừng bạn, khi bạn viết chữ bạn sẽ không cảm thấy mệt mỏi và bạn có thể chép rất nhiều từ mới và bài khoá với mục đích luyện chữ nhưng bạn lại âm thầm học được rất nhiều qua việc chép lại từ mới và bài khoá đó mà bản thân bạn hề hay biết.

Học từ mới

Từ mới học xong lại quên làm thế nào? Bình thường bạn ạ, không có não bộ thần đồng nào học cái nhớ luôn, nhìn một chữ hán cái biết viết luôn, robot may ra!

Mình là người bình thường bạn hãy chấp nhận việc học rồi lại quên quên rồi lại học. Có một nghiên cứu đã chứng minh rằng với một não bộ của người bình thường khi bạn học 1 từ mới bạn phải gặp lại nó “16 lần không liên tiếp thì bạn mới nhớ nó 1 cách hoàn toàn và không quên lại nữa. Vậy nếu bạn quên, hãy tự nhủ đơn giản là vì mình gặp nó chưa đủ 16 lần.

Cách học từ mới của mình là viết. Mình rất thích viết tiếng Trung, và cũng từng được rất nhiều giải về các cuộc thi tài năng thư pháp. Mình đem từ mới ra để luyện chữ không ngờ lại học thuộc rất nhanh nên mình dùng luôn cách này, ở đây mình chia sẻ luôn để các bạn tham khảo:

Đầu tiên mình kẻ vở dọc thành 5 cột, hôm nào học đến từ mới nào mình chép hết 1 cột dọc ví dụ 20 từ thì chép hết ra từ 1 đến 20 (không ghi phiên âm, cũng không ghi nghĩa!)

Bước 2 mình đọc từng từ và kết hợp xem thanh điệu và nghĩa của nó để nắm bắt sơ lược.

Bước 3 mình bắt đầu viết từ từ thứ nhất đến từ thứ 20 ở cột 2, cứ từ nào quên cách đọc hoặc nghĩa mình lại mở sách ra xem xong gấp lại luôn, và mình cứ chép dọc như thế đến hết cột 5..

Thật là kỳ diệu chép xong mình đã nhớ hết cả cách đọc, cách viết chữ và nghĩa của chúng. Bạn không tin hãy thử xem. Đồng thời mình đã có một thí nghiệm ngu ngốc là chép ngang hết từng dòng, và hậu quả là chẳng nhớ được mấy từ… thế nên hãy nhớ chép DỌC thì mới có hiệu quả!

Kỹ năng dịch

Kỹ năng dịch là một kỹ năng rất khó đối với người học tiếng Trung, để dịch được tốt bạn cần tất cả tiếng Trung và tiếng Việt. Học dịch thì bạn nên tham khảo các bản dịch tốt để biết cách một phiên dịch viên dịch trong các tình huống ngôn ngữ không hoàn toàn tương đồng.

Còn về nghề phiên dịch thì thực sự là nghề dạy nghề, không có quyển sách nào dạy bạn mà bạn dịch được tốt luôn cả, chỉ là phương pháp, quan trọng nhất là thực hành. Bạn nên đi dịch thậm chí là không công khi mới bắt đầu làm nghề dịch, khi bạn dịch tốt tiền tệ khác đến và bạn sẽ có cái gía trị của bản thân.

Hãy cố gắng tra ngay những gì bạn không biết và nhận sai, nhận thiếu sót chứ đừng dịch liều. “Khiêm tốn sẽ làm cho bạn tiến bộ!” Trừ những trường hợp không cho phép bạn xác nhận lại thông tin ví dụ dư dịch cabin cao cấp thì bạn phải dịch theo ý hiểu hoặc bỏ qua, còn bình thường hãy xác nhận lại với người nói nếu bạn chưa hiểu hết.

Đó là toàn bộ những chia sẻ của mình về cách học tiếng Trung, hi vọng các bạn thành công bằng phương pháp mà bạn cho là phù hợp với mình, kiên trì và bạn sẽ thành công hơn mong đợi!

Giới thiệu về Nguyễn Quốc Tư

Mình xuất thân gia đình nông dân, đỗ đại học Hà Nội khoa Công Nghệ Thông Tin năm 2010 mình may mắn được ở trong một môi trường rất nhiều người học ngoại ngữ.

Tiếp xúc với tiếng Trung rất ngẫu hứng tại cổng Hanu mình học luôn 1 khoá, sau đó giáo viên khen mình học tốt và động viên mình học thêm nên mình đành dành tiền dạy tiếng anh ra để đi học thêm 3 khoá tiếng trung, tổng cộng hơn 1 năm thì mình giành được HSK5 vào năm cuối đại học.

Nhờ giáo viên giúp đỡ mình đỗ học bổng thạc sỹ Khổng Tử ngành Giáo dục hán ngữ quốc tế sang Đại Học Cát Lâm, tận Đông Bắc TQ học, nhờ chăm chỉ học hành mình có luôn HSK6, HSKK cao cấp, Chứng chỉ giảng dạy Tiếng Trung do Hanban cấp (rất hiếm người nước ngoài có cái này), đồng thời tốt nghiệp với bằng xuất sắc và được giải quán quân cuộc thi giảng dạy tiếng Trung (汉语英雄杯) toàn Trung Quốc lần thứ nhất tại Bắc Kinh 2015 của tổ thạc sỹ quốc tế.

Nhờ thành tích tốt mình được ưu tiên tuyển thẳng lên học Tiến Sĩ ngôn ngữ Trung cùng ngành tại Đại Học Ngôn Ngữ Bắc Kinh. Hiện tại mình là NCS Tiến Sĩ năm cuối tại trường.

Lời cuối, xin bạn hãy nhớ rằng “Tiếng Trung là ngôn ngữ dễ nhất trên thế giới — với người Việt!” Chúc các bạn tự tin và học tốt Tiếng Trung! Nếu có câu hỏi gì cứ inbox mình rảnh mình sẽ trả lời. Số điện thoại tại TQ (Wechat): 13121719100
Số điện thoại tại VN (Zalo): 0961 520 521

Thay mặt cho những người đang học tiếng Trung, chúng mình xin chân thành cảm ơn những lời chia sẻ vô cùng quý báu của người thầy, người anh về phương pháp học tiếng Trung hiệu quả. Chúc anh và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Có thể bạn quan tâm:  Dịch vụ tại Laizhongliuxue

Đừng quên dành tặng cho chúng mình 1 Like nếu bạn thấy bài viết hữu ích nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền bởi:

Content Protection By Dmca.com

Admin: Trần Ngọc Duy

Admin Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc

Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc

Group chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn tự Apply học bổng Trung Quốc

Yêu Tiếng Trung

Group chia sẻ kiến thức, cùng nhau học tập tiếng Trung Quốc

Để lại bình luận của bạn
Bình luận
Tên
Email