Quản lý và Kỹ thuật logistics có lẽ không phải một ngành quá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng nó lại là lĩnh vực luôn khao khát nguồn nhân lực, mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp và khả năng thăng tiến cho các bạn trẻ hiện nay.
Không chỉ giới hạn trong Việt Nam, Quản lý và Kỹ thuật logistics được coi là một trong những chuyên ngành nhận được sự quan tâm đông đảo của giới trẻ Trung Quốc. Với nền tảng vững chắc về kinh tế cũng như tiềm năng phát triển nhân lực dồi dào, Trung Quốc đang trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều thế hệ du học sinh. Đặc biệt hơn nữa, nếu có cơ hội học tập, nghiên cứu chuyên ngành Quản lý và Kỹ thuật logistics tại Trung Quốc, chắc chắn bạn sẽ có nhiều trải nghiệm hết sức thú vị đấy! Vậy du học chuyên ngành này tại Trung Quốc có gì lý thú? Chắc hẳn nhiều bạn cũng đang tò mò lắm phải không? Vậy thì hãy đồng hành cùng Riba trong bài chia sẻ dưới đây nha!
Quản lý logistics: là việc áp dụng các nguyên tắc và phương pháp quản lý cơ bản để lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, điều phối, kiểm soát và giám sát các hoạt động logistics, sao cho hoạt động logistics đạt được điều kiện tốt nhất, giảm chi phí logistics, nâng cao hiệu quả logistics và lợi ích kinh tế.
Kỹ thuật logistics: là lĩnh vực nghiên cứu lập kế hoạch hệ thống logistics, thiết kế và tối ưu hóa nguồn lực, kiểm soát quy trình hoạt động logistics cũng như quản lý kinh doanh. Đây là chuyên ngành có liên quan chặt chẽ đến các lĩnh vực như kỹ thuật giao thông vận tải, khoa học quản lý và kỹ thuật, kỹ thuật công nghiệp, công nghệ máy tính, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật môi trường,…
Với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế như hiện nay, ngành logistics nhanh chóng trở thành một ngành dịch vụ mới nổi, có tiềm năng phát triển rất lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, nó cũng trở thành thước đo trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia hay khu vực.
Ngày nay, ngành công nghiệp logistics hiện đại của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và có khoảng cách lớn so với các nước phát triển. Bên cạnh môi trường, hệ thống và cơ chế thị trường, sự thiếu hụt nhân tài logistics đang trở thành vấn đề đáng quan tâm của chính phủ cũng như doanh nghiệp Trung Quốc. Do đó, việc đào tạo bồi dưỡng nhân tài chuyên ngành Quản lý và Kỹ thuật logistics vẫn luôn được các trường cao đẳng, đại học Trung Quốc ưu tiên hàng đầu.
Quản lý và Kỹ thuật logistics đào tạo 2 ngành chủ yếu là: Quản lý logistics và Kỹ thuật logistics. Để có thể hiểu rõ hơn về phương án đào tạo hai chuyên ngành này, các bạn hãy cùng Riba tìm hiểu tiếp nha!
Mục tiêu đào tạo
Chuyên ngành này nhằm trau dồi sự phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ và thể lực, trang bị cho sinh viên kiến thức về quản lý, kinh tế,…Chính vì vậy, sau khi đào tạo, sinh viên sẽ nắm vững những lý thuyết, phương pháp và công nghệ logistics hiện đại để có thể tiến hành phân tích, thiết kế, vận hành và quản lý chuỗi cung ứng.
Với những sinh viên tài năng , họ có thể tham gia tối ưu hóa hệ thống logistics, vận hành kinh doanh logistics hay quản lý thông tin logistics trong các doanh nghiệp liên quan.
Yêu cầu đào tạo
Sinh viên chuyên ngành này chủ yếu nghiên cứu về quá trình quản lý logistics. Do đó, sinh viên yêu cầu phải nắm vững những lý thuyết cũng như phương pháp cơ bản về kinh tế, kế toán, quản lý và pháp luật liên quan.
Không những vậy, sinh viên cũng cần hiểu rõ các phương pháp nghiệp vụ trong lĩnh vực chuyên môn, nắm bắt xu thế và phương hướng phát triển của chuyên ngành. Để từ đó có thể linh hoạt sáng tạo, ứng dụng vào cuộc sống thực tiễn.
Các môn học chính: Quản lý và kỹ thuật logistics, khoa học quản lý và kỹ thuật, quản lý kinh doanh…
Mục tiêu đào tạo
Chuyên ngành này bồi dưỡng nhân tài có khả năng ứng dụng tổng hợp để đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội hiện nay. Sau khi đào tạo, sinh viên sẽ biết cách thiết kế, triển khai và ứng dụng thiết bị logistics, vận hành và quản lý hệ thống logistics. Từ đó có khả năng tham gia trực tiếp vào công việc thiết kế hệ thống logistics hoặc tiến hành giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kỹ thuật logistics.
Yêu cầu đào tạo
Sinh viên chuyên ngành cần phải trang bị cho bản thân các kiến thức, lý thuyết cơ bản về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; nắm vững kỹ năng cơ bản về kỹ thuật logistics; có khả năng phân tích và giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, chuyên ngành này cũng đòi hỏi tinh thần sáng tạo của sinh viên để có thể linh hoạt tham gia vào chuyên môn kỹ thuật logistics.
Các môn học chính: Khái quát về kỹ thuật logistics, công nghệ kỹ thuật, công nghệ vận chuyển và phân phối, kỹ thuật hệ thống logistics, mô hình hóa và mô phỏng hệ thống logistics…
Trong nhiều năm trở lại đây, yêu cầu về nguồn nhân lực trong ngành Quản lý và Kỹ thuật logistics là vô cùng lớn. Hàng năm, số lượng cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu nhân lực trong nước. Có thể thấy, đây là chuyên ngành có tiềm năng phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Vậy sau khi tốt nghiệp chuyên ngành này, chúng ta có thể làm những công việc gì?
Với những cử nhân sau khi tố nghiệp, các bạn có thể tham gia quản lý sản xuất (bao gồm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp sản xuất, logistics, lập lịch trình, tổ chức và kiểm soát), quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật và quản lý chất lượng trong các doanh nghiệp hoặc cơ quan.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tiến hành lập kế hoạch kỹ thuật, phân phối cũng như phát triển thiết bị ứng dụng logistics trong các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại, trong ngành giao thông vận tải hoặc các lĩnh vực liên quan. Không những vậy, với những sinh viên tài năng, họ còn có thể tham gia nghiên cứu khoa học tại các viện nghiên cứu, viện quy hoạch và thiết kế; tiến hành giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng và các đơn vị khác có liên quan đến quản lý và kỹ thuật logistics.
Có thể nói, Quản lý và Kỹ thuật logistics được coi là một trong chuyên ngành “khó nhằn” bởi tính chất phức tạp của nó. Chính vì vậy, có nhiều bạn không hiểu làm thế nào để học tốt chuyên ngành này.
Như chúng ta cũng đã biết, Quản lý và Kỹ thuật logistics là chuyên ngành tương đối thực dụng và đề cao khả năng ứng dụng thực tế. Do đó, để hiểu được bản chất của chuyên ngành, trước hết bạn cần trang bị cho bản thân những lý thuyết, kiến thức cơ bản về Quản lý và Kỹ thuật logistics.
Không những vậy, để có thể linh hoạt ứng dụng chuyên ngành vào thực tiễn đời sống, bạn cũng phải không ngừng có ý thức đổi mới, sáng tạo trong quá trình học tập. Ngoài ra, việc nắm vững phương thức hoạt động logistics cơ bản của các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp lưu thông, doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước sẽ là nền tảng để sinh viên nắm bắt những xu hướng thị trường mới, từ đó có thể hoàn thiện và phát triển bản thân một cách tốt hơn.
Xếp hạng | Tên trường | Tên trường tiếng Việt | Đánh giá |
1 | 武汉理工大学 | Đại học Công nghệ Vũ Hán | 5★+ |
2 | 西南交通大学 | Đại học Giao thông Tây Nam | 5★+ |
3 | 同济大学 | Đại học Đồng Tế | 5★+ |
4 | 上海海事大学 | Đại học Hàng hải Thượng Hải | 5★+ |
5 | 重庆大学 | Đại học Trùng Khánh | 5★+ |
6 | 北京交通大学 | Đại học Giao thông Bắc Kinh | 5★+ |
7 | 东南大学 | Đại học Đông Nam | 5★ |
8 | 哈尔滨商业大学 | Đại học Thương mại Cáp Nhĩ Tân | 5★ |
9 | 吉林大学 | Đại học Cát Lâm | 5★ |
10 | 北京物资学院 | Đại học Vật liệu Bắc Kinh | 5★ |
11 | 东北财经大学 | Đại học Kinh tế Tài chính Đông Bắc | 5★ |
12 | 华中科技大学 | Đại học Khoa học Công nghệ Hoa Trung | 5★ |
13 | 江西财经大学 | Đại học Kinh tế Tài chính Giang Tây | 5★ |
14 | 浙江工商大学 | Đại học Công thương Chiết Giang | 5★ |
15 | 大连理工大学 | Đại học Công nghệ Đại Liên | 5★ |
16 | 重庆工商大学 | Đại học Công thương Trùng Khánh | 5★ |
17 | 中央财经大学 | Đại học Kinh tế Tài chính Trung ương | 5★ |
18 | 浙江大学 | Đại học Chiết Giang | 5★ |
19 | 云南财经大学 | Đại học Kinh tế Tài chính Vân Nam | 5★ |
20 | 北京科技大学 | Đại học Khoa học Công nghệ Bắc Kinh | 5★ |
Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong những nét chính về chuyên ngành Quản lý và Kỹ thuật logistics rồi. Với những tiềm năng phát triển và cơ hội việc làm hấp dẫn của mình, đây chắc chắn sẽ là chuyên ngành đáng để chúng ta theo học phải không nào!
Hãy Like bài viết nếu bạn thấy hữu ích nhé ^^!
Admin Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc
Group chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn tự Apply học bổng Trung Quốc
Group chia sẻ kiến thức, cùng nhau học tập tiếng Trung Quốc